Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, CQĐT xác định Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã phát hành trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm, lừa bán cho hơn 35.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng.
35.824 trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu
CQĐT xác định số bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 là 35.824 trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của 4 Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 7-10-2022 (F1).
Căn cứ thông tin trái chủ do Công ty Chứng khoán TVSI cung cấp và kết quả ủy thác điều tra, CQĐT ghi nhận yêu cầu thu hồi tài sản của các bị hại. Đối với trường hợp người đã mất thì ghi nhận yêu cầu của người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Các nhà đầu tư mua lại trái phiếu của các bị hại (F1) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Nếu có yêu cầu đề nghị thì sẽ được giải quyết theo các vụ việc dân sự.
Vào các ngày 29-7, 22-9, 7-10 năm 2023 và ngày 14-5-2024; CQĐT đã ban hành các Thông báo tìm bị hại và các Quyết định Ủy thác điều tra gửi đến Cơ quan CSĐT Công an tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc này nhằm lấy lời khai của 35.824 người bị hại và làm rõ các sai phạm trong việc tư vấn, giới thiệu, bán trái phiếu của các cá nhân, tổ chức có liên quan, quan điểm, kiến nghị của các trái chủ. Số lượng hồ sơ ủy thác chuyển về là 25.140 hồ sơ trái chủ (tỉ lệ 70,17%).
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đã xác định rõ thông tin từng cá nhân và thu thập đầy đủ ý kiến của bị hại. Tuy nhiên, còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa hợp tác đến trình báo.
Bữa cơm trưa giải quyết bế tắc cho ngân hàng
Tại CQĐT, Trương Mỹ Lan khai rằng năm 2018, Trương Mỹ Lan được Nguyễn Phương Hồng, cựu phó tổng giám đốc SCB, báo cáo ngân hàng phải chịu áp lực trả lãi cho dân, trả nợ nhiều khoản tài chính còn tồn tại từ khoản nợ 133.000 tỉ đồng khi hợp nhất 3 ngân hàng để lại từ năm 2012.
Mặt khác, năm 2017, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng nhà nước đã thanh tra SCB. Kết quả thanh tra đã đưa SCB từ một ngân hàng cần được hỗ trợ để tái cơ cấu thành một ngân hàng hoạt động bình thường, bị hạn chế về hạn mức tín dụng và nhiều hoạt động khác, dẫn đến hoạt động của SCB lâm vào bế tắc.
Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc SCB) nhiều lần đề xuất Lan cho sử dụng Công ty An Đông và các công ty phát hành trái phiếu để có nguồn xử lý nợ và giúp SCB vượt qua giai đoạn khó khăn. Bị can Võ Tấn Hoàng Văn, khi đó là tổng giám đốc SCB, cũng báo cáo, đề xuất việc này.
Tranh thủ bữa cơm trưa ở trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,Trương Mỹ Lan đã mời Đinh Văn Thành, chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn; Nguyễn Phương Hồng và Nguyễn Tiến Thành, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát khai tại bữa cơm này đã ra chủ trương cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, giao các cá nhân “chủ động nghiên cứu, thực hiện”.
Sau đó, 4 công ty đã được sử dụng để phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm rồi bán cho người dân thông qua Công ty chứng khoán TVSI và SCB. Có hơn 35.000 nhà đầu tư đã mua trái phiếu, bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng.
Trương Mỹ Lan thừa nhận việc này là trái quy định của pháp luật vì không dùng tiền bán trái phiếu để đầu tư, sản xuất, tạo nguồn thu trả nợ cho trái chủ mà dùng để xử lý khủng hoảng tài chính của SCB.
Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình. Trước đó, trong giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã được TAND TP.HCM tuyên các cá nhân, tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường một số khoản tiền, tài sản. Bà Lan đề xuất dùng các tài sản này để ưu tiên thanh toán nợ lãi và trái phiếu cho các trái chủ.
Ngoài ra, bà Lan mong muốn những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động được từ trái phiếu cũng phải có trách nhiệm trả nợ lãi và gốc.
CQĐT đã thu về hơn 25.000 hồ sơ trái chủ mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát nhưng vẫn còn nhiều bị hại đã chuyển nơi cư trú, chưa đến trình báo.