Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (đang có hiệu lực) quy định: Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Về bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết dự thảo luật nhiều ý kiến tán thành không quy định TAND có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Một số ý kiến đề nghị giữ quy định này như Luật hiện hành. Có ý kiến đề nghị báo cáo tình hình thực hiện quy định này; nếu bỏ quy định tòa án khởi tố vụ án tại phiên tòa thì đề nghị sửa đổi nội dung này trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Về vấn đề này, Nghị quyết 27 yêu cầu: "Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền của Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa…". UBTVQH nhận thấy việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Trường hợp thiếu chứng cứ thì tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung.
Nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm, thì tòa án yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Việc bỏ thẩm quyền của Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Thực tế, việc khởi tố vụ án tại phiên tòa cũng ít khi xảy ra.
Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại một số địa phương cho thấy Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là rất ít.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật không quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa; đồng thời khoản 1 Điều 150 dự thảo Luật được chỉnh lý: "Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: "Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm".
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu quan tâm đến đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND tối cao tiếp tục đề nghị, UBTVQH cho biết đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Phương án 1 là quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của luật hiện hành). Phương án 2 là quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND tối cao).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) đồng tình với phương án 1, giữ nguyên tên tòa án cấp tỉnh, huyện theo luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu, một số đại biểu và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vẫn đề nghị đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Do còn ý kiến khác nhau của các đại biểu liên quan đến 2 phương án, nên đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Quốc hội cho lấy phiếu ý kiến của các đại biểu về nội dung này.
"Chúng ta có 487 đại biểu nhưng phát biểu chỉ có trên dưới 30 đại biểu phát biểu nên chưa biết mấy trăm đại biểu còn lại ủng hộ phương án nào. Nên lấy phiếu để đảm bảo khách quan, chính xác" - vị đại biểu đề xuất.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam; đoàn tỉnh Khánh Hoà) ủng hộ phương án 2, thực hiện đổi tên vì đáp ứng các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, ông đồng tình với đề xuất của đại biểu Hòa về việc lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội với 2 phương án trên.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng việc đổi tên theo phương án 2 chỉ dừng lại ở tên gọi còn nội hàm không khác tên gọi của luật hiện hành. Vì vậy, ông đồng tình với phương án 1 giữ nguyên theo luật hiện hành. Đồng thời, cần tiếp tục cần tiếp tục sửa các luật về tố tụng để tăng quyền cho tòa án cấp huyện, thị xã, thành phố... Khi có đủ điều kiện mới sửa đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ đồng tình với việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử ở phương án 2 vì việc đổi tên này là phù hợp, cần thiết, đồng thời, đưa ra nhiều lập luận cho quan điểm của mình.
Nữ đại biểu cho rằng việc thành lập các tòa án này không phải sửa các luật liên quan vì đã quy định trong điều khoản chuyển tiếp của dự luật; việc đổi tên này có phát sinh chi phí sửa con dấu, biển hiệu của tòa án nhưng không đáng kể so với lợi ích to lớn, lâu dài như tăng hiệu quả, chuyên môn hóa, đảm bảo tính nhất quán áp dụng pháp luật, phù hợp với trình độ phát triển, bảo đảm tính minh bạch...
Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)