Toà nhà nằm trên đường Chợ Lớn, quận 6, TP.HCM có kết cấu 1 trệt 3 tầng lầu, diện tích 122m2, nền thấp hơn mặt đường nên thường xuyên bị ngập nước. Trước đó chủ nhà đã nâng nền 2 lần lên gần 1m nhưng vẫn bị nước tràn vào. Nếu tiếp tục nâng nền, tầng trệt sẽ không thể sử dụng được, một số hạng mục cũng đã xuống cấp, vì thế chủ nhà quyết định nâng toàn bộ công trình lên cao 1,2m để chống ngập.
Cũng như những công trình khác được thi công nâng toàn bộ, tòa nhà này “thần đèn” Nguyễn Văn Cư dùng phương pháp nâng kích thuỷ lực. Toàn bộ căn nhà sử dụng 2 trạm thuỷ lực bơm 15 kích ben thuỷ lực, tương ứng 15 cột để kích nâng. Hàng chục công nhân phụ trách các cột, điều khiển bơm hơi trong quá trình nâng đồng loạt.
Những ben thuỷ lực này sẽ được gắn móc chấm vào bảng đo mức nâng từng lần kích dán lên dầm bê tông. Mỗi lần kích sẽ nâng toàn bộ công trình đồng đều lên 10cm. Sau mỗi lần kích, các công nhân sẽ gia cố, chèn đỡ cột bằng các đế thép, 22 kích phụ nâng đỡ từng cột an toàn rồi sau đó mới chuẩn bị các đợt nâng tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Cư cho biết ông và nhóm công nhân mất khoảng 1 tháng chuẩn bị nhưng quá trình nâng chỉ diễn ra trong 3 ngày để nâng cao toàn bộ công trình lên đúng theo yêu cầu của chủ đầu tư. Đến ngày 11/6, chiều cao và không gian tầng trệt đã trở lại hiện trạng lúc mới xây dựng là 3,8m.
Phần cầu thang bộ tiếp giáp với mặt nền nay đã lên cao 1,2m. Một trụ bê tông nâng đỡ phần cầu thang này đã được đổ cố định sau khi tháo trụ đỡ tạm thời bằng thép.
Sau khi nâng cao, có thể thấy tầng 3 của toà nhà đã cao ngang với tầng thượng của ngôi nhà bên cạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, toà nhà được xây dựng từ hơn 20 năm trước, có kết cấu tốt nhưng khi nâng cao cần phải đảm bảo an toàn cho công trình. Công trình cao tầng nên “thần đèn” phải dùng 4 ống thép để chống đỡ bên ngoài, tránh rung lắc, xô lệch trong quá trình kích nâng.
Những ống thép tròn và thanh thép chữ I này được các công nhân gắn từ hệ đà có chống đỡ ben thuỷ lực vào các cột của toà nhà. Ông Nguyễn Văn Cư chia sẻ, đây là công trình nhà phố có quy mô lớn với chiều ngang 8m, dài 16m, nặng khoảng 1.000 tấn nên phải tính toán để đảm bảo an toàn, bền vững lâu dài cho chủ đầu tư.
“Quá trình chuẩn bị, khảo sát, chúng tôi thấy móng nhà ổn định nên không cần xử lý phần móng mà chỉ đổ hệ đà kiềng ngang dọc ngay trên mặt nền hiện hữu, khoan tường, cắt cột đưa kích thuỷ lực kích nâng”, “thần đèn” cho biết thêm.
Bên trong toà nhà, đơn vị thi công dùng ống thép tròn để chống đỡ, hệ cáp neo giữ lại toàn bộ kết cấu nhà để không bị dịch chuyển. Sau khi nâng xong, hệ cáp sẽ được khoá lại để công trình được đảm bảo an toàn cho các hạng mục thi công tiếp theo.
Sau khi hoàn thành kích nâng đủ chiều cao theo yêu cầu, các công nhân tiếp tục hàn sắt nối cột, đổ bê tông nối cột. Tiếp đó, những đà ngang không có tường sẽ được hạ xuống ngang cốt nền, đấu nối vào các cột, những đà có tường sẽ để lại. “Các trụ ngoài khung sắt chúng tôi còn gắn thanh thép chữ I cao 1,2m để đảm bảo chịu lực cho tất cả các trụ toà nhà”, công nhân Nguyễn Thanh Tùng cho hay.
Dự kiến các công nhân hoàn thành hạng mục nâng sau khoảng 2 tuần để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện toàn bộ công trình.
Ông Nguyễn Văn Cư được gọi là “thần đèn” với thâm niên 20 năm thực hiện nâng, di dời, xử lý lún nghiêng rất nhiều công trình lớn nhỏ ở TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước. Các công trình nổi bật ở TP.HCM như nâng giảng đường chùa Huệ Nghiêm (quận Bình Tân) nặng 2.000 tấn lên 3m; nhà thờ Giáo xứ Nữ vương Hoà Bình (quận Gò Vấp) rộng 900m2 nâng lên 2m, trường học 5 tầng (quận 6); dời cổng đền 200 năm tuổi (Hà Tĩnh)…
Sau 1 tháng chuẩn bị, 3 ngày kích nâng, toà nhà nặng khoảng 1.000 tấn tại quận 6, TP.HCM đã được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư nâng lên 1,2m.