Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ban soạn thảo đề xuất bắt đầu cấp sổ điện tử từ đầu năm 2026, nửa năm sau khi luật có hiệu lực. Sổ này chứa thông tin nhân thân cơ bản của lao động, ghi nhận quá trình đóng, hưởng và giải quyết chế độ. Chính phủ quy định chi tiết về dữ liệu trên sổ điện tử, đối chiếu thông tin, quản lý, lộ trình hoàn thành cấp sổ.
Sổ giấy chỉ được cấp khi người lao động yêu cầu và hai loại sổ này có giá trị pháp lý, hiệu lực như nhau. Lao động được cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin đóng - hưởng hàng tháng qua các giao dịch điện tử và có quyền yêu cầu xác nhận thông tin này.
Sổ BHXH giấy có bìa màu xanh, ghi nhận quá trình đóng - hưởng và giải quyết các chế độ cho lao động. Ảnh: Ngọc Thành
Sổ BHXH là giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Song quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần. Thống kê giai đoạn 2020-2022 tại Thái Bình, trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, trong đó có người gom đến 227 sổ BHXH.
Để ngăn chặn trục lợi chính sách, dự luật bổ sung quy định cấm cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ BHXH dưới mọi hình thức. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Từ 1/1/2026, lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử, có thể dùng song hành với bản giấy, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.