Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Các đồng chí cứ nhắn tin 24/7"

Ngày: 08/05/2024 18:45

“... Các đồng chí cứ nhắn tin cho tôi, số máy của tôi ai cũng có, dân khiếu kiện cũng có nên tôi tin các bộ ngành, địa phương đều có số máy của Phó Thủ tướng. Các đồng chí cứ nhắn tin 24/7”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Sáng 8-5, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ làm việc trực tuyến với các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, TT&TT cùng 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Rà soát các thủ tục nội bộ

Chủ trì phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá sáu tháng qua, chúng ta làm được rất nhiều việc, có những việc “cầm, nắm” được, cảm nhận được… “Chúng ta cũng tự tin hơn rất nhiều trong việc cảm tưởng rất mới, rất khó này”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Phó Thủ tướng mong muốn các bộ ngành, địa phương nỗ lực, cố gắng, tăng tốc thực hiện những mục tiêu đặt ra theo phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC đã được phê duyệt cho năm 2024.

“Việc chúng ta còn phải làm nhiều lắm, khó lắm. Thường là những việc dễ, chúng ta làm ban đầu hết, đọng lại, nén lại những việc khó” - theo ông Quang.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đánh giá những tồn tại, vướng mắc còn khá nhiều, trong đó, hai câu chữ được nhắc đến nhiều nhất là “chưa” và “chậm”.

Ông Trần Lưu Quang sau đó nêu hai nhóm việc cần làm thời gian tới. Thứ nhất là cải cách thủ tục, tức là sửa các quy định làm sao cho hợp lý nhất.

Thứ hai là phương thức, cách thức thực hiện như thế nào để dễ cho cơ quan nhà nước và dễ cho mọi người. “Tinh thần chung là chúng ta phải tăng tốc thôi, vì nó đã chậm. Hầu như các chỉ tiêu đưa ra trong các văn bản trước đây cơ bản là chậm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tại phiên họp, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát các thủ tục nội bộ. “Thủ tục nội bộ của chúng ta còn nhiều lắm và tôi tin là trong này chồng chéo rất nhiều nên phải rà lại hết”- ông Trần Lưu Quang nói và yêu cầu các bộ ngành và địa phương tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Chính phủ trước 15-5.

“Việc này đã được gia hạn nhiều lần”- Phó Thủ tướng lưu ý.

'Các đồng chí cứ nhắn tin 24/7'

Về việc thực hiện, Phó Thủ tướng nhắc các địa phương một số việc quan trọng. Thứ nhất, phải công bố công khai, có những việc địa phương đã làm rồi nhưng không nói, không công khai nên không ai biết.

Thứ hai, phải đẩy nhanh việc khai thác, tái sử dụng thông tin và dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu. “Nói một câu như vậy thôi nhưng việc này thực hiện rất khó, đòi hỏi khả năng kết nối, đồng bộ dữ liệu”- Phó Thủ tướng nói thêm.

Thứ ba, Phó Thủ tướng yêu cầu cố gắng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. “Bà con, cô bác, người dân, doanh nghiệp chỉ mong trực tuyến thôi thì mới giải quyết được tới cùng việc chúng ta mong muốn. Mà cần phấn đấu thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nghĩa là trọn gói, không phải kiểm tra gì hết. Việc này khó hơn, nhưng thực tế cũng có bộ ngành, địa phương làm được rồi” - vẫn lời Phó Thủ tướng.

Thứ tư, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu phải cấu trúc lại quy trình. “Đừng làm kiểu nhận hồ sơ thì gõ vô máy, in phiếu ra gửi cho người dân nhưng ôm vô trong phòng, xử lý hồ sơ giấy. Kiểu này không giống ai hết và không phải điều chúng ta mong muốn” - ông Quang nói đồng thời nhấn mạnh lại yêu cầu phải làm sao để “tái sử dụng dữ liệu”…

Về phía các bộ ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung vào thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, bổ sung tạm vắng, chuyển đi. Nếu làm được việc này, chúng ta không mất công, tốn kém và minh bạch hoá quá trình này ở địa phương.

Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận và số hoá hồ sơ, trả kết quả.

Sau cùng, Phó Thủ tướng thông tin Tổ công tác chọn Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Bình Dương xây dựng mô hình mẫu về bộ phận một cửa, tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

“Bốn địa phương trên đã có kinh nghiệm, có kết quả, liên quan đến hồ sơ của doanh nghiệp rất nhiều nên mong các đồng chí cố gắng đẩy nhanh việc này” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

“Tôi là tổ trưởng nên tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về hiệu lực của tổ này. Vậy nên, bất kỳ thông tin gì, các đồng chí cứ nhắn tin cho tôi, số máy của tôi ai cũng có, dân khiếu kiện cũng có nên tôi tin các bộ ngành, địa phương đều có số máy của Phó Thủ tướng. Các đồng chí cứ nhắn tin 24/7”- Phó Thủ tướng nói thêm.

TP.HCM thống nhất không thu phí của người dân khi thực hiện TTHC

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan cho biết thời gian qua, TP đã làm được nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp.

Ông Hoan thông tin thời gian tới, TP.HCM sẽ trang bị một hệ thống máy móc, thiết bị cho tất cả các cơ quan hành chính TP, từ TP đến quận, huyện, phường, xã. “Hệ thống này đang rất cũ kỹ, các phần mềm sử dụng cũng rất lạc hậu” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Thứ hai, TP quyết tâm thực hiện 100% thủ tục xử lý trên môi trường mạng, cự tuyệt với xử lý trên môi trường giấy.

Thứ ba, TP đang chỉ đạo quyết liệt việc rà soát quy trình nội bộ, cắt bỏ các khâu trung gian.

Thứ tư, áp dụng chữ ký số trong nội bộ 100% ở tất cả các cơ quan thuộc quận huyện, sở ngành.

“TP đang trình HĐND ngày 18-5 này sẽ thống nhất lệ phí thực hiện các TTHC là 0 đồng, tức là không thu một đồng phí nào của người dân để khuyến khích”- theo ông Võ Văn Hoan.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho hay TP sẽ liên kết với ngân hàng, Kho bạc, Bưu chính để thống nhất quy trình công nghệ, trách nhiệm và chia sẻ chi phí để hỗ trợ người dân, DN khi thực hiện trình tự, thủ tục trực tuyến cấp độ 4…

Phản hồi sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự quyết tâm của TP.HCM.

“Tôi từng công tác ở TP, tôi hiểu được việc này. Về lý lẽ, TP.HCM cùng Hà Nội phải là hai địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Thực sự thì TP.HCM đã đi đầu, nên bây giờ gặp một hệ luỵ là máy thì cũ, phần mềm lạc hậu nên phải cải tổ cái này lại.

Mong TP thúc đẩy nhanh việc này nhanh vì với quy mô kinh tế, con người, nhân sự như TP, nếu không đẩy nhanh việc này sẽ rất khó khăn” - theo Phó Thủ tướng.

Theo ĐỨC MINH

Tin liên quan