Người được bà Trương Mỹ Lan 'thưởng 1.500 tỷ đồng' bị phạt 11 năm tù

Ngày: 11/04/2024 18:45

TP HCM - Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt, bị cáo buộc sử dụng nhiều pháp nhân, tạo hồ sơ vay vốn khống, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 4.752 tỷ đồng.

Chiều 11/4, ông Trước, 41 tuổi, bị TAND TP HCM tuyên án 11 năm tù (VKS đề nghị 13-14 năm tù) về tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

HĐXX ghi nhận ông Trước có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả vụ án, có nhiều thành tích trong hoạt động từ thiện... Tuy nhiên, bị cáo đã giúp bà Lan chiếm đoạt số tiền lớn, nên cần xử lý nghiêm.

Ngoài mức án, tòa buộc Trước phải bồi hoàn tiếp cho SCB gần 693 tỷ đồng. Nếu tài sản của vợ chồng bị cáo không đủ thì cơ quan thi hành án dùng toàn bộ các tài sản đang bị kê biên của bị cáo Cao Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty Tường Việt) để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trước.

Trong vụ án này, tòa đánh giá bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch... Tuy nhiên, bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu, phạm tội có tổ chức trong thời gian dài; với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên phải xử lý nghiêm.

Từ đó tòa tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

"Hành vi của bị cáo không chỉ phạm đến quyền quản lý tài sản của các cá nhân, tổ chức mà còn đẩy SCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; xói mòn niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước", bản án nhận định.

Bị cáo Dương Tấn Trước tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần

Bị cáo Dương Tấn Trước tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo bản án, tháng 4/2021, Trước được bà Lan và Trương Khánh Hoàng thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến tại phường Bình An, quận 2 (hiện là TP Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền 3.500 tỷ đồng; trong đó 2.500 tỷ là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.

Để hợp thực hóa hồ sơ cho khoản vay trên, ông Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với SCB thực hiện phương án vay vốn và thành lập Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ. Khi SCB ký thỏa thuận cho hai công ty trên vay, lần lượt giải ngân 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân và công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân. Đến ngày 17/10/2022, hai khoản vay của Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh còn dư nợ gốc là 3.500 tỷ đồng, nợ lãi hơn 589 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo còn giúp bà Trương Mỹ Lan một số việc khác như xin cấp giấy phép xây dựng siêu dự án Mũi Đèn Đỏ và Sài Gòn Bình An, nên bà Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung (lúc đó là Phó tổng giám đốc SCB), làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa hồ sơ vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên lập phương án và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty trong nhóm Tường Việt. SCB đã giải ngân 18 lần, tổng cộng 1.498 tỷ đồng. Thực chất là rút tiền SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước số tiền trên.

Ngày 18/8/2022, SCB Chi nhánh Chợ Lớn ký thỏa thuận cho Công ty Việt Đức (thuộc nhóm Tường Việt) vay 248,5 tỷ đồng. Do có chỉ đạo của Dung, khoản vay này đã được giải ngân nhưng hồ sơ chưa có tờ trình của các phòng chuyên môn. Như vậy, thông qua hai khoản vay, các bị cáo đã rút của SCB 1.746 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022 (Bộ Công an khởi tố vụ án), các khoản vay của những công ty trên có tổng dư nợ gần 5.700 tỷ đồng. Cấn trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, Trước giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 4.750 tỷ đồng và gây thiệt hại 605 tỷ đồng lãi phát sinh.

Ngoài ra, ông Trước còn nhận của bà Lan hơn 2.697 tỷ đồng, đã đưa lại 492,5 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân, cháu bà Lan), hiện còn hơn 2.204 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án. Ảnh: Thanh Tùng

Quá trình xét hỏi và tranh luận, bị cáo Trước cho biết khi làm việc với bà Lan đã có mong muốn thực hiện dự án, "dùng trí tuệ để tư vấn", làm các thủ tục pháp lý của các dự án cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Khi đó, bà Lan hứa trả tiền, và 1.500 tỷ đồng là phí dịch vụ.

Về khoản vay 3.500 tỷ đồng, Trước cho biết, quá trình làm việc, bà Lan có một danh sách các dự án có dư nợ xấu ở SCB. Bị cáo này nhận thấy dự án Thanh Yến có pháp lý đầy đủ và bà Lan cũng đề nghị Trước và Công ty Tường Việt nhận chuyển nhượng dự án với giá 2.500 tỷ đồng.

Trước không phải thanh toán, mà lập hồ sơ vay 3.500 tỷ đồng, trong đó 2.500 tỷ là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến và 1.000 tỷ để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.

Dương Tấn Trước cho rằng tính tổng số tiền bị thu giữ và các tài sản bị kê biên thì bị cáo đã khắc phục dư thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.

Theo Quốc Thắng - Hải Duyên

Tin liên quan