Không dám ở nhà vì sợ sập
Những ngày qua, hàng trăm hộ dân tại xóm Bãi (thôn Vân Nội, xã Vân Phong, huyện Ba Vì) luôn sống trong cảnh bất an, nhất là với những gia đình ở ven sông. Bởi lẽ, trên địa bàn thôn xảy ra tình trạng sụt lún, nhà cửa nứt toác, có nguy cơ sập do hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tường nhà bà Trương Thị Thanh nứt toác
Bà Trương Thị Thanh (xóm Bãi, thôn Vân Nội) lo lắng chia sẻ: “Chắc chỉ trận mưa to nữa thì căn nhà cấp 4 của gia đình tôi sẽ sập. Vì thế, tôi mong cấp trên sớm có giải pháp giúp chúng tôi an cư, chứ sống nơm nớp thế này sợ lắm. Bây giờ, vợ chồng tôi cũng chẳng dám ở nhà mình nữa”.
Bà Thanh dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cấp 4 mà chỉ vài tháng trước đây là nơi cư ngụ của 3 người nhưng hiện đã bỏ trống. Căn nhà có 1 vết nứt kéo dài từ sân xuyên qua tường nhà rồi sang nhà hàng xóm. Trong đó, vách tường nứt lớn nhất, có chỗ trống hoác, cho vừa bàn tay. “Các anh chị cẩn thận, kẻo tường nhà sập”, bà Thanh nói khi thấy chúng tôi chạm vào tường nhà.
Bà Thanh cho biết, từ cuối năm 2023, dưới nền sân bắt đầu xuất hiện vết nứt rồi lan vào nhà. Thấy quá nguy hiểm, vợ chồng bà cùng con út rời nhà sang ở cùng với vợ chồng người con đầu. “Chúng tôi có nhà mà giờ chẳng dám ở. Chỉ mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp giúp chúng tôi an cư”, bà Thanh ngậm ngùi.
Căn nhà của chị Đỗ Thị Nhung (thôn Vân Nội), cũng bị nứt ở nhiều vị trí. Từ đầu năm đến nay, cùng với nhiều nhà khác, căn nhà của gia đình chị bị nứt do khai thác cát. Ban đầu, chị dùng xi măng trát kín tại các vị trí nứt nhưng không hiệu quả nên đành để vậy.
“Mỗi khi mưa gió, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ mong nhà không bị sập”, chị Thanh chia sẻ.
Theo UBND xã Phong Vân, tình trạng lún nứt nhà dân tại thôn Vân Nội bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2023, đến đầu năm 2024 thì vết nứt lan nhanh. Đến nay, qua thống kê của UBND xã, có hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có nhà của 42 hộ bị lún, nứt.
Kiến nghị tỉnh Phú Thọ dừng khai thác cát tại vị trí giáp ranh
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún, nứt nhà dân tại thôn Vân Nội là do hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, khoảng 4-5 năm nay, các tàu thuyền khai thác cát trên địa bàn Phú Thọ hoạt động suốt ngày đêm khiến dòng chảy thay đổi, gây sạt lở bờ sông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu công an thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Hơn nữa, việc khai thác cát đã khiến mực nước lòng sông tụt xuống đáy khiến trạm bơm không thể bơm nước phục vụ tưới tiêu.
Đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, tình trạng hút cát trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè và công trình dân sinh khiến nhân dân hoang mang, lo lắng. Do đó, UBND huyện Ba Vì đề nghị thành phố kiến nghị tạm dừng việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh huyện Ba Vì. Đồng thời, quan tâm ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản không đúng quy định.
Về phương án xử lý, ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, đơn vị sẽ phối hợp tham mưu để thành phố có phương án xử lý các khu vực bị nứt, kè vùng sạt lở, cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân. Đồng thời, lên phương án để đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra sự cố. Về lâu dài, thành phố cần làm việc với tỉnh Phú Thọ để có biện pháp chấm dứt việc khai thác tại khu vực giáp ranh.
Sông Hồng bị sạt lở do mực nước thấp
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ngoài Phong Vân, khu vực bãi bồi “xã đảo” Minh Châu đang bị sạt lở khu vực bãi bồi và khu vực kè.
Theo đó, chiều dài cung sạt thứ nhất khoảng 500m, ảnh hưởng đến nhiều diện tích hoa màu của người dân. Vị trí thứ 2 nằm ở dưới chân kè hiện có, chiều dài cung sạt dài khoảng 200m, chênh cao giữa mặt bãi cao với mặt nước khoảng từ 2,0 đến 5,0m tạo thành các vách sạt đứng.
Nguyên nhân do mực nước sông Hồng xuống thấp đã làm biến đổi dòng chảy sông Hồng. Cùng với đó là ảnh hưởng của việc điều tiết nước của Hồ thủy điện Hòa Bình và do ảnh hưởng của 2 trận mưa dông từ đêm ngày 20/4 đến ngày 23/4 làm cho bờ, bãi nổi thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu bị sạt lở.
Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND xã Minh Châu, UBND thị trấn Tây Đằng phối hợp với Hạt Quản lý đê số 1 cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở và cảnh báo cho nhân dân trong khu vực hạn chế qua lại khu vực sạt lở nguy hiểm.
Trần Hoàng
Thời gian qua, tại khu vực tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì (Hà Nội) diễn ra tình trạng khai thác cát suốt ngày đêm. Từ đó, dẫn đến kè đê Phong Vân sạt lở, hơn 200 hộ dân ở Ba Vì bị ảnh hưởng, trong đó 42 hộ nhà cửa bị lún, nứt rất nguy hiểm...