Năm 2023, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM ban hành Kế hoạch 1878 phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP.HCM.
Việc thực hiện Kế hoạch số 1878 với phương châm “trách nhiệm, hiệu quả” và tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”, phấn đấu 100% công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt được cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD.
Cần xem lại điều kiện cấp CCCD
Là người chuyên tư vấn, hỗ trợ pháp lý về giấy tờ tùy thân cho những trường hợp đặc biệt, TS Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, có những chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, cấp giấy khai sinh, CCCD cho người dân.
Theo TS Đạt, thực tế có nhiều gia đình với nhiều nguyên nhân như không có nhà hoặc chủ nhà không bảo lãnh cho nhập khẩu… khi đến nơi khác ở đã không đăng ký tạm trú, thường trú. Điều này gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh, bởi Luật Hộ tịch quy định đăng ký khai sinh cho trẻ em ở nơi người mẹ hoặc nơi người cha đang cư trú.
Thậm chí có những gia đình đến TP.HCM đã vài chục năm nhưng không quan tâm làm giấy khai sinh cho con. Chẳng hạn có trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn vì không có CMND, CCCD, không xác nhận được nơi cư trú để xác nhận tình trạng hôn nhân; cũng có trường hợp người mẹ sinh con nhưng do không có CMND, CCCD nên không được cấp giấy chứng sinh. Khi đem con về nhà thì mâu thuẫn gia đình, để con lại và bỏ đi biệt tích, người cha đã đi tìm và xác nhận ADN xác định huyết thống có quan hệ cha, con nhưng không có nơi cư trú cũng gặp khó khăn khi đăng ký khai sinh cho trẻ.
TS Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM (bìa trái), đi cùng một người dân có hoàn cảnh khó khăn hỗ trợ làm giấy khai sinh. Ảnh: TĐ
Đối với trường hợp này rất khó xử lý cho cán bộ hộ tịch, vì phải ghi nơi cư trú trong giấy khai sinh nên có nơi vì khó mà địa phương không thể giải quyết được. Đến khi “đụng chuyện” như trẻ đi học, trẻ phải điều trị tại bệnh viện... các gia đình mới nhận ra tầm quan trọng của giấy tờ tùy thân, đặc biệt là giấy khai sinh.
Về CCCD, TS Đạt nêu: “Hiện nay, việc quản lý dân cư đã bỏ sổ hộ khẩu và thay bằng sổ điện tử. Tuy nhiên, về cơ bản nó cũng vậy, tức là người nào có đăng ký thường trú thì mới kê khai, còn những người không có tên trong dữ liệu dân cư (không đăng ký thường trú) thì không thể nào được cấp CCCD”.
TS Đạt kiến nghị: Khi có giấy khai sinh, đã có mã số định danh cá nhân rồi, ngành công an nên cấp CCCD hoặc thẻ căn cước theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, chứ không cần lệ thuộc vào việc phải đăng ký thường trú hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 17; khoản 4 Điều 20 và khoản 5 Điều 21 Luật Cư trú bởi quy định hiện hành về vấn đề này rất bất cập.
Cụ thể, để có địa chỉ thường trú phải có nhà; mà có nhà thì phải có những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu… Có trường hợp con đã được đăng ký khai sinh, muốn nhập khẩu để có CCCD thi tốt nghiệp THPT nhưng không được giải quyết cho nhập khẩu, cấp CCCD.
Trong khi đó, việc đăng ký thường trú chỉ để cơ quan chức năng quản lý về cư dân, về con người chứ không liên quan đến tài sản. Chính vì thế, việc cấp CCCD đối với những người “vô gia cư” không có đủ điều kiện đăng ký thường trú là điều cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Năm giải pháp để ai cũng có giấy tờ tùy thân
Về công tác triển khai Kế hoạch 1878, Ban chỉ đạo Đề án 06 TP đã thành lập Tổ công tác triển khai, thực hiện Kế hoạch 1878 với sáu thành viên thường trực và đại diện quận, huyện, TP Thủ Đức.
Tổ công tác này đã đưa ra năm phương hướng trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ, giải quyết giấy tờ tùy thân, thu thập dữ liệu dân cư.
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM thực hiện công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và tham mưu biện pháp xử lý nghiêm đối với việc cá nhân, đơn vị thiếu quan tâm chỉ đạo, trách nhiệm trong công tác rà soát, để sót lọt công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn.
Thứ hai, tổ công tác triển khai, thực hiện Kế hoạch 1878 tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án 06 tập trung rà soát, sàng lọc theo từng diện và loại nhân khẩu đặc biệt. Mục tiêu để thống nhất phương pháp làm sạch với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “vướng đến đâu, gỡ đến đó”, nhất là số nhân khẩu đặc biệt đang sinh sống ngoài xã hội trên địa bàn TP.
Thứ ba, duy trì tổ chức cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với các trường hợp đang điều trị tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện trên địa bàn TP.HCM…
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền Kế hoạch 1878, qua đó lan tỏa ý nghĩa thiết thực về tinh thần phục vụ nhân dân của lực lượng vũ trang và công chức TP, góp phần đưa Đề án 06 vào thực tế cuộc sống…
Thứ năm, Sở Tư pháp phối hợp với Công an TP tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong việc xử lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục đối với từng tình huống cụ thể liên quan đến quốc tịch, hộ tịch, đặc biệt là việc cấp giấy khai sinh cho các nhân khẩu đặc biệt…
Hơn 383.000 người được cấp mã số định danh cá nhân, CCCD
Tính đến tháng 3-2024, TP đã cấp mã số định danh cá nhân, CCCD cho hơn 383.000 người, chiếm tỉ lệ hơn 96%.
Đối với việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong thời gian qua, sở đã chủ động triển khai kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ liên quan đến đề án này của sở.
Ngoài ra, sở đã chủ động phối hợp với Công an TP và các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 06 tổ chức thu thập dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP.
Ông
Nguyễn Tăng Minh
, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện hỗ trợ, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt.