Quy trình bầu Chủ tịch nước bắt đầu vào cuối phiên làm việc chiều 21/5. Năm ngày trước, Trung ương "thống nhất rất cao" giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an nên Quốc hội chưa có phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh này tại kỳ họp 7.
Đại tướng Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; Đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Ông bắt đầu sự nghiệp ở Cục Bảo vệ chính trị I rồi làm Cục phó Bảo vệ chính trị I, Cục trưởng Bảo vệ chính trị III, Tổng cục An ninh.
Ông sau đó làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Thứ trưởng Công an. Ông giữ cương vị Bộ trưởng Công an từ tháng 4/2016 đến nay. Ông Tô Lâm cũng là Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Công an, đại tướng Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội, tháng 11/2023. Ảnh: Media Quốc hội
Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
Theo chương trình nghị sự, sáng cùng ngày, các đại biểu sẽ nghe báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và thảo luận ở hội trường. Sau đó cơ quan soạn thảo và thẩm tra làm rõ các nội dung liên quan.
Báo cáo giải trình cho thấy có ý kiến đề nghị đánh giá tác động của quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện; đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ, làm rõ hai phí này có sự trùng nhau không.
Đối với quy định phí sử dụng đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường do nhà nước đầu tư. Những cao tốc này đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người dân có quyền lựa chọn sử dụng.
Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện. Trong khi đó, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Việc thu phí này không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Có ý kiến đề nghị định nghĩa lại đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp. Thường vụ Quốc hội cho rằng do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn. Từ năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, song định hướng khó thực hiện do không thể cân đối đủ nguồn vốn. Vì vậy, việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại dự thảo Luật Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai.
Quốc hội dự kiến thông qua dự luật này vào ngày 26/6.
Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để bầu Chủ tịch nước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15.