Luật Bảo hiểm xã hội quy định lương hưu hàng tháng thấp nhất (lương hưu tối thiểu) của lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc bằng với mức lương cơ sở, hiện là 1,8 triệu đồng. Nếu người hưởng thấp hơn mức này sẽ được ngân sách hoặc Quỹ Bảo hiểm xã hội bù đắp. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 khi cải cách tiền lương, lương cơ sở sẽ không còn.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp lương hưu tối thiểu nhằm bảo lưu quy định trong luật hiện hành, song chỉ áp dụng với người đóng BHXH bắt buộc trước ngày dự luật có hiệu lực (1/7/2025) và tham gia từ đủ 20 năm trở lên. Mức tham chiếu trong dự luật sửa đổi được áp dụng bằng mức lương cơ sở nếu chưa bãi bỏ (hiện hành 1,8 triệu đồng); đến khi mức lương cơ sở bị bỏ thì tham chiếu không thấp hơn.
So với dự thảo cuối tháng 5, Chính phủ đã giữ lại mức lương hưu tối thiểu nhưng lại không áp dụng với người tham gia BHXH sau ngày 1/7/2025. Việc bỏ đi mức lương hưu này khiến đại biểu Quốc hội lẫn chuyên gia lo ngại an sinh "tụt dốc không phanh", nhiều người cao tuổi không đủ sống. Hiện độ bao phủ an sinh cho người già sau tuổi lao động chưa tới 40%, trong khi dự báo dân số 29 triệu người già trên 60 tuổi vào năm 2049.
Theo dự luật sửa đổi, thấp nhất trong hệ thống an sinh là tầng trợ cấp hưu trí xã hội, mức đề xuất 500.000 đồng mỗi người một tháng. Mức này chỉ đạt 25-33% chuẩn nghèo thành thị và nông thôn hiện nay.
Người cao tuổi Đà Nẵng đi thể dục ven công viên, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Ở dự thảo mới nhất, Chính phủ đồng thời bổ sung quy định lao động đóng BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021, đủ 20 năm trở lên được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ. Lao động được về hưu sớm 2-5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021 và lao động đóng BHXH bắt buộc, đồng thời không bị trừ 2% khi nghỉ hưu trước tuổi.
Chính sách áp dụng cho lao động gia nhập hệ thống khu vực tự nguyện trước thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Bộ luật Lao động quy định từ năm 2021, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đạt 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào 2035.
Đề xuất này không áp dụng với lao động đóng BHXH bắt buộc. Như vậy người tham gia ở khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện từ ngày 1/1/2021 trở đi muốn hưởng lương hưu vẫn đóng đủ 20 năm như hiện hành, sắp tới giảm xuống 15 năm và đủ tuổi về hưu theo lộ trình, 60-62 tuổi. Nghỉ hưu sớm trước tuổi, lao động bị trừ 2% tỷ lệ hưởng mỗi năm.
Tổ chức Lao động quốc tế dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tiếp tục làm việc.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội mới nhất, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng lương hưu tối thiểu với người đóng BHXH trước ngày 1/7/2025 và từ đủ 20 năm trở lên.