Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: Phạm Thắng
Đối với ý kiến đề nghị quy định thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo luật quy định theo hướng thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu. Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện...
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Lê Xuân Thân (đoàn tỉnh Khánh Hoà) cho biết tại khoản 6 Điều 2 dự thảo luật quy định người quản lý sử dụng đường bộ là chủ sở hữu trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ, hoặc tổ chức cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ.
ĐBQH Lê Xuân Thân phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu cho rằng quy định như vậy không rõ ràng bởi người sử dụng đường bộ phải là người tham gia giao thông, là tổ chức cá nhân, còn người chủ sở hữu vận hành những công trình đường bộ khai thác, vận hành là của tư nhân hoặc của nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị xem lại khoản 6 Điều 2 của dự thảo luật theo hướng người sử dụng đường bộ là tổ chức cá nhân, người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Theo đại biểu, các khái niệm về đường bộ vẫn trộn lẫn, chưa rõ ràng. Ví dụ, quy định về đặt tên đường, phố… như thế nào là đường phố, như thế nào là hẻm…. Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung định nghĩa các loại đường như đường bộ, đường cao tốc, đường đô thị, ngõ, ngách, hẻm,… để đảm bảo rõ ràng, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng khi luật được thông qua.
Đại biểu Lê Xuân Thân cũng đề nghị ưu tiên mọi nguồn lực để thi công nhanh nhất để trả lại mặt bằng cho giao thông công cộng tại Điều 32 của dự thảo luật. Bởi thực tế cho thấy, bụi, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông công cộng gây ra nhiều hệ lụy khi triển khai thi công các công trình đường bộ.
Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.