Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị khoan hồng cho cán bộ lỡ 'nhúng chàm'

Ngày: 29/05/2024 15:45

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng tâm lý e dè, làm việc cầm chừng của một số cán bộ hiện nay là điều dễ hiểu, bởi lẽ "có làm ắt có sai, chỉ có không làm mới không sai".

"Nếu làm sai sẽ bị xử lý nên họ sợ sai, sợ trách nhiệm", Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói, khi phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ở Quốc hội sáng 29/5.

Theo ông Hòa, trước đây địa phương nào cũng muốn phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa để tăng thu ngân sách. Muốn vậy, họ phải trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư và nhiều lúc vượt rào, làm không đúng quy định. Nếu bây giờ lật lại, "những cán bộ này ít nhiều đều có sai phạm".

"Củi đưa vào lò toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa", ông Hòa nói, cho rằng quy định khoan hồng sẽ giúp những cán bộ đang vi phạm điều chỉnh hành vi. Từ đó, tham nhũng tiêu cực sẽ giảm, niềm tin của người dân được củng cố.

Ông Hòa kiến nghị các cơ quan nghiên cứu chính sách khoan hồng với cán bộ, doanh nghiệp vi phạm biết chuộc lỗi. Ví như người thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay trong đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực, nếu tự giác khai báo, hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước thì sẽ được bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ và được tiếp tục công tác. Ông tin rằng những người này "sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình".

"Ngược lại, ai không tự giác khai báo, nếu phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm và không được tình tiết giảm nhẹ", ông nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu sáng 29/5. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu sáng 29/5. Ảnh: Media Quốc hội

Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM Trương Trọng Nghĩa cũng lo ngại thực trạng cán bộ ngần ngại ra quyết định trong thẩm quyền; trì hoãn, đùn đẩy phê duyệt dự án, cấp các loại giấy phép. Theo ông, việc cơ quan Nhà nước chậm trả lời câu hỏi, chậm ban hành hướng dẫn, chậm giải quyết khiếu nại gây ách tắc cho người dân, ảnh hưởng lớn đến đầu tư công và phát triển kinh tế xã hội.

Đồng tình khi Chính phủ có Nghị định 73 bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, song ông Nghĩa cho rằng như vậy là "chưa đầy đủ". Ông đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể để cán bộ yên tâm thực thi công vụ. "Thông tư liên bộ Nội vụ, Công an, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp phải sâu sát tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước, giúp họ yên tâm trong hành xử và ra các quyết định hành chính", ông Nghĩa nói.

Tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Việc này tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có, nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Tháng 9/2023, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định được ban hành trong bối cảnh nhiều nơi có tình trạng cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhiều lần yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển những người này.

Cán bộ được khuyến khích và bảo vệ phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Theo Sơn Hà

Tin liên quan