Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói có những tâm sự thật lòng vào đầu giờ sáng 5-6 khi ông tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH. Ông nói: “Buổi chiều và tối ngày hôm qua, tôi mới có điều kiện đọc lại những câu hỏi của 31 đại biểu và những câu tranh luận của 4 đại biểu dành cho tôi. Thú thực là cũng phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần thì mới hiểu đúng, hiểu hết được ý hỏi của một số đại biểu.
Vì thế trong quá trình trả lời, có thể tôi đã trả lời chưa đúng, chưa trúng, chưa hết, thậm chí là vượt hơn cả nội dung đại biểu yêu cầu.
Mặt khác, quá trình hỏi, rất nhiều đại biểu hỏi trùng vấn đề, chỉ lệch nhau một vài ý thôi nên tôi đã xin phép khi trả lời thì gộp các vấn đề ấy để nói cho khỏi bị trùng. Bởi thế có thể không theo thứ tự đại biểu hỏi, và có thể chưa xướng tên đại biểu cho đúng lúc, mong các đại biểu thông cảm cho”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn ĐBQH. Ảnh: QH
Như đã đưa tin, hôm qua, 4-6, nhiều ĐBQH đã tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn về việc livestream bán hàng trên mạng nhưng trong trả lời, Bộ trưởng Diên chưa giải trình. Vì thế, ĐB Đỗ Chí Nghĩa giơ biển tranh luận. Ông cho rằng Bộ trưởng nói nhiều đến các sàn thương mại điện tử nhưng đó là các sàn có định danh, có đăng ký, ta quản lý tương đối dễ. Hiện livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, các livestream doanh thu đến hàng trăm tỉ/ngày là vấn đề lớn.
“Nếu đi theo giải pháp là xoá các trang đó như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo hay trình bày trước QH thì chúng tôi thấy xoá thì khó nhưng lập một trang rất dễ dàng, giống như chặt đầu Phạm Nhan”- ĐB Nghĩa nói và cho rằng cứ đuổi theo như vậy làm sao có thể giải quyết vấn đề? Nếu không đi đúng hướng, cơ quan quản lý rất vất vả, luôn đuổi theo, như rơi vào ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ và cơ quan thuế thì thất thu.
“Tôi muốn Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi, với việc livestream như vừa qua Bộ Công Thương có biết không? Đó là thật hay ảo? Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng thế nào?”- ĐB Nghĩa hỏi.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng tranh luận về vấn đề này và đề cập thêm đến việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới sau livestream tiềm ẩn sai phạm nhưng chưa có chế tài xử lý. Mặt khác, quá trình xử lý, không chỉ ngành Công thương mà còn các ngành khác nữa. Giải pháp thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận với hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung và qua livestream nói riêng, “việc quản lý rất khó khăn”.
Quản lý được hoạt động livestream không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn nhiều ngành. Chẳng hạn Bộ TT&TT quản lý về nền tảng, Bộ Tài chính quản lý về thuế…
Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp. Đương nhiên, trong trường hợp này Bộ Công Thương sẽ chủ trì để phát hiện, đấu tranh làm rõ các hành vi sai phạm, nhất là việc tìm ra các địa điểm tập kết hàng, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý sai phạm và chống thất thu thuế.
Hoạt động này biến hóa khôn lường nên các quy định của chúng ta phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mới và các quốc gia đều gặp phải. TMĐT phát triển rất mạnh, tăng trưởng 25%/năm, doanh thu hơn 20 tỉ/năm.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị. “Mua bán không thể thoát khỏi ‘lưới trời’ là sự phát hiện của người dân hay thông qua các tổ chức”- ông Diên nói.
Sau cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói tới vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong xem xét, xử lý ban đầu về xung đột lợi ích.
“Khi phát hiện, chứng minh được các chủ livestream vi phạm pháp luật, chúng ta xoá vĩnh viễn các trang này, hoặc yêu cầu các chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi của mình thì từng bước sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”- theo ông Diên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng có nhiều đại biểu hỏi trùng vấn đề, lệch nhau chỉ một vài ý nên Bộ trưởng đã trả lời gộp.