Trước đó, ngày 8/3, ông Thành bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Nhận hối lộ liên quan Tập đoàn Phúc Sơn. Cùng vụ án, hàng loạt cán bộ tỉnh này cũng bị khởi tố như cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước.
Ông Thành sau đó bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng. Ban Bí thư đánh giá, ông Thành đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Điều này gây hậu quả "rất nghiêm trọng", dư luận bức xúc, ảnh hưởng "rất xấu" đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Gia Chính
Ông Thành 55 tuổi, quê Vĩnh Phúc, trình độ tiến sĩ kinh tế. Trước khi được bầu làm Chủ tịch tỉnh tháng 10/2020, ông Thành kinh qua nhiều chức vụ tại Vĩnh Phúc như Cục phó Cục Thuế; Bí thư Huyện ủy Lập Thạch; Phó bí thư Tỉnh ủy; Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Cuối năm 2023, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Thành được 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp, là chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên toàn quốc nhận được hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp.
Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, hàng loạt cán bộ của Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi đã bị bắt. Bộ Công an đánh giá vụ án này là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi. Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.
Ngày 29/5, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Lê Duy Thành.