6 "lần đầu tiên" trong hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV

Ngày: 30/05/2024 11:45

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao một chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát một chuyên đề tại Phiên họp tháng 8-2025.

Sáng 30-5, tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được làm cẩn trọng, nghiêm túc

Theo Tổng ký Quốc hội cho biết năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp” – báo cáo nêu và cho hay hoạt động giám sát của các cơ quan đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo. Đáng chú ý, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương…

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện. Một trong những điểm mới là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời ba chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Ông Cường cũng cho biết hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được phó. “Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ” – ông nói thêm.

Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư trong các nhiệm kỳ Quốc hội triển khai hoạt động này.

Tổng Thư ký Quốc hội thông tin: “Kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn. Các vấn đề chất vấn được nhóm lại thành 4 nhóm lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt câu hỏi và trả lời chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát”.

Tăng cường giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri

Một kết quả khác, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

“Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, Nhân dân’ – ông Cường nhấn mạnh.

Công tác chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát cũng được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời. Đặc biệt, năm 2024 là năm đầu thực hiện Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc điều hòa hoạt động giải trình cụ thể, chi tiết.

“Giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực” - Ủy ban Thường vụ nhấn mạnh.

Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP. Trong đó đã đánh giá những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023; đồng thời, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ giám sát trọng tâm của năm 2024.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Cũng trong năm này, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc, tính toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao một chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát một chuyên đề tại Phiên họp tháng 8-2025.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đã lựa chọn hai chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn một chuyên đề để giám sát tối cao.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin liên quan