Sau 2 năm xung đột, Nga có gì thay đổi?

Danh mục: Điểm nóng
Ngày: 24/02/2024 20:45

Dù một số địa điểm giáp biên giới với Ukraine bị tấn công, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở hầu hết các khu vực ở Nga.

Lính cứu hỏa Nga làm việc tại hiện trường một vụ tấn công ở thành phố Belgorod, Nga, ngày 30/12/2023. Ảnh: Reuters

Lính cứu hỏa Nga làm việc tại hiện trường một vụ tấn công ở thành phố Belgorod, Nga, ngày 30/12/2023. Ảnh: Reuters

Ngày 30/12/2023, một loạt tên lửa đã tấn công vào thành phố Belgorod của Nga, gần biên giới với Ukraine.

"Tôi sống ở ngay trung tâm thành phố. Có 3 hay 4 thứ rơi ngay bên ngoài nhà tôi. Tôi không biết đó là mảnh đạn pháo hay thứ gì nữa", Yuliya, một phóng viên 21 tuổi, sống ở Belgorod, chia sẻ.

"Các tòa nhà xung quanh nhà tôi bị hư hại nặng. Tòa nhà của tôi vẫn ổn nhưng đó là trải nghiệm đáng sợ. Trong khoảnh khắc đó, có những lúc tôi đã nghĩ mọi chuyện thế là hết", Yuliya nói thêm.

Belgorod đã bị bắn phá nhiều lần kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhưng đợt tấn công vào tháng 12 năm ngoái là ác liệt nhất.

Theo Al Jazeera, ít nhất 25 dân thường, trong đó có 5 trẻ em, đã thiệt mạng trong đợt tấn công được cho là do quân đội Ukraine thực hiện. Đối với người dân thành phố vùng biên Belgorod, giao tranh đã tới trước cửa nhà họ.

"Bầu không khí trong thành phố thay đổi nhiều kể từ ngày 30/12/2023 khi người dân Belgorod cuối cùng cũng cảm nhận được xung đột là gì. Nó đã ở rất gần và thành phố không còn an toàn như trước. Cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi rất nhiều", Yuliya nói.

Cô gái 21 tuổi cho biết, trẻ em đã biết chú ý tới các cuộc pháo kích, nhận ra âm thanh của còi báo động không kích và biết cách thắt garo sơ cứu vết thương.

"Bây giờ hội đồng thành phố không còn thảo luận về việc trồng bao nhiêu hoa tulip cho lễ hội mùa hè, thay vào đó họ nói về cách bố trí các hầm tránh bom. Tôi nghĩ cuộc sống ở Belgorod sẽ còn rất lâu nữa mới trở về như trước xung đột", Yuliya nói.

Ngoài các vụ pháo kích vào Belgorod, còn có một số cuộc tấn công xuyên biên giới của Quân đoàn Tình nguyện Nga - một nhóm gồm các tay súng Nga chiến đấu ở phía Ukraine, tham gia vào các cuộc giao tranh chóng vánh với các lực lượng Nga.

Bên cạnh đó, UAV được cho là của Ukraine cũng nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga, làm nổ tung một kho nhiên liệu gần St. Petersburg vào tháng 1.

Kinh tế Nga

Trong những tuần sau khi xung đột nổ ra, bức tranh kinh tế có vẻ ảm đạm với Nga khi đồng rúp sụt giá và các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy.

Nhưng theo các chuyên gia, nền kinh tế Nga đã trụ vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây..

"Nền kinh tế Nga đã trải qua những phép thử đầy căng thẳng", Artem Kochnev, nhà kinh tế học người Nga, nói. "Phép thử đầu tiên là vào năm 2014. Moscow đã rút ra một số bài học từ đó. Cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia và thắt chặt kiểm soát lĩnh vực tài chính. Phép thử thứ hai là cuộc khủng hoảng Covid-19 và cách họ cố gắng quản lý hoạt động hậu cần khi hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, Nga đã rút ra được nhiều kinh nghiệm".

Ông Kochnev nói thêm rằng việc các lệnh trừng phạt không được đưa ra đồng loạt giúp Moscow có thời gian để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu dầu.

Khi EU ngừng nhập khẩu dầu Nga, Moscow chuyển sang cung cấp dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ. Nga cũng có lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ từ việc bán xăng dầu, vốn ban đầu được dành để bù đắp cú sốc do giá dầu giảm.

Các thương hiệu lớn như McDonalds và Starbucks đã rời khỏi Nga và buộc phải bán tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường cho những người mua được giới chức Nga chấp thuận.

Một số công ty nước ngoài ở Nga được quốc hữu hóa hiệu quả.

Theo Al Jazeera, xung đột ở Ukraine chắc chắn để lại tác động đến xã hội Nga nhưng nhìn chung, cuộc sống ở đây vẫn tiếp diễn như bình thường.

Vẫn có những buổi hòa nhạc và triển lãm âm nhạc. Khách hàng vẫn có thể mua hàng hóa nước ngoài. Nhiều người Nga vẫn lạc quan.

"Tôi đã nghe nhiều về những lời tuyên truyền của phương Tây. Nhưng mọi thứ ở đây vẫn vậy. Không có gì thay đổi ngoại trừ việc một số người rời đi. Dù có muốn hay không, Nga cũng đã bắt đầu cuộc đấu rất tốt và đáng để theo dõi. Bạn phải ở đây để hiểu được điều đó", Alec, công dân 51 tuổi sống ở St Petersburg, Nga, chia sẻ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Al Jazeera

Tiền tuyến

Kể từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè 2023, các lực lượng Nga đã dần tiến lên và có thắng lợi quan trọng khi kiểm soát hoàn toàn thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk sau cuộc chiến khốc liệt kéo dài nhiều tháng.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga của tổ chức tư vấn International Crisis Group (Bỉ) cho rằng, Nga có lợi thế và có thể bổ sung quân số nhanh hơn Ukraine.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga được cho là đang hoạt động hết công suất, bơm đạn pháo cho các lực lượng Nga ở tiền tuyến.

"Số lượng sản phẩm quân sự Nga đã tăng đáng kể, bao gồm việc khôi phục sản xuất tại các nhà máy cũ từ thời Liên Xô", ông Ignatov nói thêm. "Nguồn cung cấp đạn dược của Nga có thể vượt trội so với nguồn cung cấp đạn dược của phương Tây và duy trì lợi thế về trang bị cũng như vũ khí tầm xa. Các lệnh trừng phạt có thể làm tăng giá sản xuất và tạo ra các vấn đề hậu cần nhưng không cản trở việc sản xuất đạn pháo, đồng thời cũng không ngăn cản Moscow hiện đại hóa các vũ khí, thiết bị từ thời Liên Xô".

Ông Ignatov cũng cho rằng: "Ukraine đã thực hiện một loạt vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga và có thể đã phá hủy một số thiết bị đắt tiền, nhưng các cuộc tấn công đó không làm thay đổi bức tranh tổng thể xung đột, khi Moscow vẫn chiếm lợi thế".

Theo Tâm Hoa - Al Jazeera

Tin liên quan