Báo Mỹ: Nhà Trắng lo ngại đà tiến công của Nga làm thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine

Danh mục: Quân sự
Ngày: 19/05/2024 20:45

Nhà Trắng đang ngày càng lo ngại về đà tiến công của Nga trên chiến trường ở Ukraine vì điều này có thể "thay đổi cục diện xung đột", báo Mỹ New York Times (NYT) gần đây đưa tin.

Binh sĩ quân đội Ukraine đứng bên cạnh xe chiến đấu CV90 do Thụy Điển cung cấp.

Binh sĩ quân đội Ukraine đứng bên cạnh xe chiến đấu CV90 do Thụy Điển cung cấp.

Dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao Mỹ và đồng minh, NYT nhấn mạnh việc chỉ cách đây 18 tháng, giới chức Nhà Trắng và Lầu năm Góc vẫn còn thảo luận về khả năng "Nga thất bại trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và phải rút quân hoàn toàn".

Hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi. Nhà Trắng ngày càng lo ngại Nga đang tạo ra đà tiến công đến mức kiểm soát hoàn xung đột, NYT cho biết.

Trong các cuộc trao đổi kín, giới chức Mỹ cũng lo ngại rằng Nga đã rút ra bài học quan trọng trong xung đột, vượt qua khó khăn và đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Với xu hướng như hiện nay, cuộc họp giữa ông Biden và các lãnh đạo nhóm G7 diễn ra vào tháng 6 tới ở Italia có thể sẽ rất khác. Một năm trước, ông Biden còn nói trong cuộc họp ở Phần Lan rằng "Nga đang thất bại trong xung đột ở Ukraine".

Theo NYT, đà tiến công của Nga hiện tại bắt nguồn từ một số yếu tố. Thứ nhất là việc Mỹ trì hoãn ngân sách bổ sung cho Ukraine trong 6 tháng. Thứ hai là năng lực phòng không Ukraine suy yếu khiến vai trò của không quân Nga trong xung đột ngày càng được mở rộng. Thứ ba là những mâu thuẫn nội bộ và phản ứng của dư luận khiến Ukraine không đạt mục tiêu tuyển quân như dự kiến. Thứ tư là những đổi mới về công nghệ của Nga trên chiến trường, đặc biệt là năng lực tác chiến điện tử ngày càng được mở rộng, khiến vũ khí Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine hoạt động kém hiệu quả.

Theo NYT, những lợi thế của Nga chỉ mang tính chất thời điểm. Sau 18 tháng kể từ lúc này, tình hình có thể sẽ lại thay đổi.

Nhưng Nhà Trắng ngày càng tin rằng, tình hình giao tranh trong vài tháng tới sẽ quyết định cục diện của cuộc chiến và Nga đang là bên chiếm ưu thế. Nhà Trắng không loại trừ khả năng Ukraine buộc phải tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn với Nga và đóng băng xung đột.

Michael Kofman, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở ở Mỹ, nói 2024 là năm quân đội Nga nắm thế chủ động và chiếm ưu thế rõ rệt. "Năm nay mở ra cơ hội với Nga nhưng nếu Moscow không tận dụng tốt cơ hội, tình hình có thể sẽ lại thay đổi vào năm tới", ông Kofman nói trên tờ NYT.

Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy đà tiến công của Nga là việc Mocsow phát động cuộc tấn công ở vùng Kharkiv kể từ ngày 10/5. Nga cũng tập trung binh lực ở khu vực giáp với vùng Sumy của Ukraine, có thể mở thêm mặt trận mới ở khu vực này bất cứ lúc nào.

Theo NYT, việc Ukraine buộc phải điều một số lực lượng chiến đấu chi viện cho chiến trường ở Kharkiv có thể mở ra cơ hội để Nga tạo đột phá ở vùng Donbass.

"Nga đang tìm cách thu hút lực lượng chủ lực của Ukraine, kìm chân lực lượng này ở Kharkiv và làm suy yếu các khu vực khác ở tiền tuyến", ông Kofman nói.

Trong nhiều ngày qua, giới chức Ukraine liên tục khẳng định "tình hình ở vùng Kharkiv vẫn ổn định". Nhưng hôm 15/5, Ukraine bất ngờ tuyên bố rút khỏi một số khu vực giao tranh ở Kharkiv và gần như đã không còn kiểm soát thị trấn Volchansk. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực chặn đà tiến công của Nga vẫn chưa đạt hiệu quả.

Hiện tại, Mỹ đang tăng cường tham vấn kỹ thuật với hi vọng có thể giúp Ukraine đối phó sự đổi mới về công nghệ của Nga.

Các vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine như hệ thống HIMARS đã không còn có thể tấn công mục tiêu một cách chính xác do bị Nga gây nhiễu tín hiệu GPS.

Hôm 15/5, Nga thông báo chặn cuộc tấn công quy mô lớn của Ukraine, trong đó có 10 tên lửa ATACMS ở bán đảo Crimea. Mỹ chỉ mới cung cấp một số lượng lớn tên lửa ATACMS cho Ukraine vào tháng 4.

Theo NYT, quân đội Nga cũng đạt được một số thành công trong việc theo dõi hoạt động của các hệ thống pháo phản lực HIMARS. Trong một số trường hợp, các hệ thống HIMARS dù được Ukraine ngụy trang kỹ lưỡng cũng vẫn bị Nga phá hủy, theo NYT.

Theo Nhật Minh - NYT

Tin liên quan