Anh nông dân bỏ túi 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi con "chỉ ăn với đẻ"

Ngày: 01/06/2024 11:45

Nuôi loài chim “hiền lành, mắn đẻ” này, anh Nguyễn Văn Hồ có thu nhập khấm khá, hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Đến thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi nhà anh Nguyễn Văn Hồ nuôi chim bồ câu ai cũng biết.

Anh Hồ được xem là người tiên phong, mạnh dạn đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp, mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm tại địa phương.

Sinh năm 1979 trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, anh Hồ đã có ý thức tự lập, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2001, anh lập gia đình và ra ở riêng. Theo báo Vĩnh Phúc, thời điểm đó, anh bươn chải rất nhiều nghề để kiếm sống, vừa đi làm thợ xây, vừa chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh.

Băn khoăn tìm cho mình hướng đi phù hợp để vượt khó, sau khi tìm hiểu thị trường anh Hồ đã bàn bạc với gia đình, quyết định thử sức với hướng đi mới, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Theo anh Hồ, chim bồ câu Pháp có giá bán tương đối cao, giá lại ổn định, được các nhà hàng, quán ăn sử dụng nhiều nên cũng không lo đầu ra.

Lúc đầu, anh Hồ nuôi 20 đôi chim bồ câu sinh sản, qua thời gian nuôi thử nghiệm và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, nhận thấy nuôi chim bồ câu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh bàn bạc cùng gia đình quyết định vay mượn thêm vốn để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, mua giống, vật tư và lồng ghép chim, nhân số lượng lên gấp nhiều lần.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc, hiện anh Hồ đã xây dựng được 7 khu chuồng nuôi chim bồ câu Pháp với tổng đàn trên 2.000 con. Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc).

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Nguyễn Văn Hồ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly/báo Vĩnh Phúc.

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Nguyễn Văn Hồ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly/báo Vĩnh Phúc.

Được biết để có được thành công như hôm nay, anh Nguyễn Văn Hồ cũng từng trải qua không ít khó khăn.

Năm 2016, anh Hồ đầu tư nuôi 500 đôi chim sinh sản, toàn bộ là chim bồ câu Pháp. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về chăn nuôi, lại gặp phải dịch bệnh nên số chim bố mẹ và chim non mới nở chết nhiều.

Không nản chí, anh Hồ quyết tâm học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi ở nhiều trang trại khác nhau và tự mày mò học hỏi bằng thực tiễn để nghiên cứu về kỹ thuật nuôi, ấp chim bồ câu cùng các tập tính của loài chim này nhằm nâng cao năng suất và khai thác tối đa hiệu quả mà chúng mang lại.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp, anh Hồ cho biết: "Người nuôi chim bồ câu Pháp cần chọn con giống, xây dựng chuồng nuôi, hệ thống máng ăn và lựa chọn thức ăn phù hợp. Để bồ câu sinh trưởng, phát triển tốt, người nuôi cần chú ý phòng các loại bệnh như hen, đậu gà, newcastle, tụ huyết trùng…

Chuồng nuôi bồ câu cần thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ. Để trứng đạt tỷ lệ nở cao, người nuôi nên ấp trứng chim bằng máy và cho chim mẹ ấp trứng giả, sau khi chim con nở mới đưa vào cho chim bố mẹ nuôi".

Về chế độ dinh dưỡng cho chim bồ câu sinh sản rất quan trọng, cần cho chim ăn đủ chất và lượng chứ không nên cho chim ăn quá nhiều hay quá ít. Thức ăn cho chim chủ yếu là cám công nghiệp, ngô hạt mạch, các loại thóc, đỗ tương và thức ăn hỗn hợp tùy theo giai đoạn sinh trưởng của bồ câu mà trộn theo tỷ lệ nhất định.

Đặc biệt, chất lượng thức ăn luôn phải bảo đảm không bị nấm, mốc để tránh các bệnh đường tiêu hóa cho đàn chim, việc cho ăn được thực hiện vào thời điểm cố định để tạo phản xạ có điều kiện đối với hệ tiêu hóa của chim.

Một trong những khâu quan trọng của nuôi chim bồ câu là chọn giống và chăm cho đến khi chúng sinh sản được. Con chim giống được lựa chọn phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn và không có dị tật.

Nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản phải kiểm soát được cặp nào sinh sản tốt, kém để tìm cách tách từng đôi nuôi riêng và ứng dụng phương pháp ấp trứng bằng máy ấp, rút ngắn thời gian ấp của chim xuống còn 15 ngày, mỗi năm một cặp chim bố mẹ sẽ cho từ 8 - 9 cặp chim con.

Nhờ vận dụng đúng phương pháp trong chăn nuôi, đến nay, anh Hồ đã xây dựng được 7 khu chuồng nuôi chim bồ câu với tổng đàn trên 2.000 con.

Điều đáng nói, anh Hồ chỉ mất tiền mua con giống ban đầu còn lại tự tìm hiểu và nhân đàn để nuôi, từ đó, tiết kiệm nhiều chi phí và công sức. Bình quân một đôi chim con, anh Hồ bán với giá từ 65.000 đồng - 95.000 đồng, chim bố mẹ bán giá 500.000 đồng/cặp.

Với 1.000 đôi chim bố mẹ, trung bình mỗi tháng, trang trại của anh Hồ cung cấp cho thị trường từ 1.200 - 1.300 con chim thương phẩm; đối với các nhà hàng, đám cưới muốn có hàng phải đặt trước vài tuần.

Hằng tháng, trừ chi phí, thu nhập từ nuôi chim bồ câu của gia đình anh Hồ đạt từ 20 - 30 triệu/tháng. Nhờ đó, gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ làm kinh tế giỏi điển hình của địa phương.

Nhận xét về tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu tại địa phương, ông Đinh Văn Cần, Trưởng thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Hồ là mô hình điển hình về tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi của xã. Đây được đánh giá là hướng phát triển kinh tế hiệu quả có thể nhân rộng để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo Minh Hoa

Tin liên quan