"Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam cùng Ủy hội sông Mê Kông trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực".
Hạn hán đang gia tăng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do biến động lớn nguồn nước từ thượng nguồn Mekong đổ về.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt thông tin như vậy trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, chiều 11-4, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các nước ven sông Mê Kông.
Nhưng để như vậy thì cần tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển của các cộng đồng người dân trên lưu vực, vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.
Lợi ích của Campuchia và lo ngại của người dân đồng bằng sông Cửu Long
Vấn đề liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo được nêu ra lần này, ở thời điểm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bước vào hạn nặng, do nguồn nước ngọt từ thượng nguồn Mekong đổ về hạn chế, dẫn tới nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
Thiên tai này ít nhiều có nguyên nhân từ việc phát triển thủy điện phía thượng nguồn Mekong trong thời gian dài. Vậy nên, khi phía Campuchia thông báo triển khai dự án kênh đào Funan thì dư luận thêm lo lắng.
Tờ Khmer Times của nước này, ngày 18-1, cho hay kênh đào Funan Techo dự kiến dài 180km, nối vào sông Mekong ở đoạn chảy qua khu vực Takeo, rồi đi qua 4 tỉnh sát Việt Nam, gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Dự án con kênh nhân tạo này theo thiết kế rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ nguồn, có độ sâu 5,4m, dự kiến sẽ là tuyến đường thủy mới, nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, qua sông Basac. Hàng hóa sẽ được vận chuyển đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam.
Chuẩn bị cho dự án kênh đào Funan Techo, tháng 6-2023, Chính phủ Campuchia đã ra quyết định thành lập Ủy ban liên bộ.
Tháng 9-2023, Tổng công ty Công trình Cầu đường Trung Quốc (CBRC) đã ký một thỏa thuận với Campuchia để tài trợ cho việc xây dựng kênh đào. Dự kiến dự án cần 1,7 tỷ USD để thực hiện.
Bộ trưởng Giao thông và Công chính Campuchia Peng Ponea cho biết dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý IV năm nay.
Trước dư luận lo ngại kênh đào Funan Techo sẽ làm giảm lưu lượng nước hạ lưu dòng Mekong, Việt Nam đã đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin về dự án này, bao gồm đánh giá tác động đa chiều.